Bát hương (nhang) là một vật linh thiêng dùng thờ cúng trong gia đình, là biểu hiện tâm linh trên ban thờ của mỗi gia đình. Đó là nơi con cháu hướng về tổ tiên, các vị thần linh cầu mong sự bình an, tỏ lòng hiếu thuận.
Theo nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Tiến sĩ, giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn): Việc lau dọn bát hương, ban thờ gia tiên là việc nên làm vì đó là nơi thắp hương cho tổ tiên cần được làm sạch không chỉ mang ý nghĩa về mặt tín ngưỡng mà nó còn ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ của chính chúng ta vì đó cũng là một phần trong môi trường sống hàng ngày của các thành viên trong gia đình.
Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, không được dịch chuyển bát hương khi dọn ban thờ là mê tín dị đoan.
Không chỉ ở trong không gian gia đình mà trong các đền chùa, miếu mạo, không gian thờ tự công cộng, việc này cũng thường xuyên phải làm. Trong tín ngưỡng gọi là lễ “mộc dục” (lễ tắm rửa cho tượng). Việc này được diễn ra trong những không gian riêng như hồ bán nguyệt, bến nước riêng.
Còn lễ trong gia đình gọi là lễ “bao sái” (lễ tẩy rửa). Lúc này, người ta lau dọn sạch sẽ tất cả những vật thờ tự.
Trước khi tiến hành, nên thắp hương để “xin phép” ông bà tổ tiên. Đây là quan niệm thể hiện sự tôn trọng, kính hiếu với gia tiên kể cả khi họ đã mất. Đó là truyền thống tốt đẹp, nên duy trì.
Sau đó, tuỳ từng vật dụng thờ tự mà chúng ta có những cách vệ sinh, lau rửa phù hợp sao cho được sạch sẽ nhất. Nếu bát hương cần bỏ bớt chân hương và tàn tro thì có thể bỏ đi để tiện cho việc thắp hương những lần sau.
Một điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải làm việc này một cách thành tâm, nghiêm túc để thể hiện lòng thành kính với người trên để làm gương cho con cháu.
Theo quan niệm cổ truyền, đây là việc của đàn ông trong nhà. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Linh Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc - Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị - ĐHXD cho rằng: Thực tế, ai cũng có thể bốc được bát hương, song đích thân gia chủ bốc là tốt nhất. Đó phải là người thành tâm và chân tay sạch sẽ.
Về quan niệm về việc dịch chuyển bát hương khi lau dọn ban thờ sẽ làm ảnh hưởng đến tổ tiên và không tốt cho con cháu trong nhà: Theo TS Nguyễn Hùng Vĩ, "đó chỉ là thói quen của nhiều người và lâu dần họ coi đó là việc cấm kỵ nên tránh. Đó là mê tín dị đoan, chưa có một tài liệu sách vở nào có ghi chép về việc này. Thậm chí, trong tín ngưỡng, việc này cũng không đúng. Tuy nhiên, có nên xê dịch hay không là tuỳ từng gia đình, đó là lựa chọn của từng người".
Quy trình chung bốc bát hương
1. Lau rửa sạch bát hương bằng nước muối rượu gừng có pha chút nước hoa hay thả vào mấy cánh hoa hồng cho thơm. Nước đã dùng đổ ra trước sân hay vẩy chung quanh nhà, không đổ xuống cống.
2. Dùng tro đốt bằng rơm nếp (hay trấu), không nên cho cát vì cát nặng.
3. Rửa tay sạch sẽ, lần lượt bốc bát hương. Nên bốc lần lượt từng nắm cốt vào bát. Bốc xong để riêng từng vị trí, tránh nhầm lẫn. Nếu sợ nhầm, có thể viết giấy dán bên ngoài, đến khi đưa lên ban thờ cần bỏ ra.
4. Đặt bát hương lên ban thờ. Bát hương thần linh ở giữa, bát hương bà cô ở tay trái từ trong nhìn ra, bát hương gia tiên bên tay phải.
5. Sắm lễ
Lễ gồm có hoa tươi, quả tươi, nước sạch bày lên bàn thờ. Tất cả đặt ở phía trước hay bên cạnh bát hương.
6. Đọc kinh và thắp hương
Theo ông Nguyễn Mạnh Linh, một số ngày, giờ thích hợp gần đây để bốc bát hương là: 8h ngày 10/12 âm lịch (thứ 5), 14h ngày 14/12 âm lịch (thứ 2), 14h ngày 16/12 âm lịch (thứ 4), 16h ngày 17/12 âm lịch (thứ 5), 12h ngày 20/12 âm lịch (chủ nhật), và 8h 21/12 âm lịch (thứ 2).
|
D. Hoàng (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment