Các dòng họ ở Bắc Giang

Hiện nay ở Bắc Giang có các họ Dương, Đỗ, Đồng, Đinh, Chu, Cao, Biện, Giáp, Khổng, Lê, Mai, Nguyễn, Phí, Ông, Ong, Trương, Trịnh, Trần, Thôn, Vũ, Vi, Phùng, Ngọ, Phương, Lều, Thạch, Bạch, Vương, Hoàng, Sầm, Quách, Ninh, Lã, Ngô, Lưu, Hà, Lý, Khuất, Tạ, Đào, Phạm, Phan, Bùi, Phó, Đoàn, Lương, Hồ, Nông, Âu, Hoắc, La, Kiều, Cáp, Diêm, Tô, Tống, Yên...
Trước thế kỷ X các dòng họ ở Bắc Giang chưa được ghi trong sách chính sử. Do đó không rõ thời ấy có những họ nào đã cư trú ở Bắc Giang. Tài liệu dã sử như Thần tích, Thánh tích ở các địa phương có cho biết một số họ đã sống ở Bắc Giang như họ Thạch trong tích Thạch Linh thần tướng, họ Hùng ở Thù Sơn (Hiệp Hoà); họ Diên, họ Ngọ, họ Dương có các vị nữ tướng của Hai Bà Trưng đóng quân ở Đông Lâm (Hiệp Hoà), Vân Sơn (Yên Dũng), Nhã Nam (Tân Yên), họ Trương ở Mai Thượng (Hiệp Hoà)... Các truyền tích ấy đều do người đời sau hư truyền, thực giả không rõ nên chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Từ thế kỷ X trở đi, trong chính sử đã xuất hiện các nhân vật và sự kiện liên quan đến vấn đề các dòng họ ở Bắc Giang : Trong mỗi thế kỷ lại xuất hiện một vài họ có người hiền tài và những nhân vật lịch sử hay các danh nhân khoa bảng...
Dòng họ ở Bắc Giang có họ gốc và họ di cư ở nơi khác tới cư trú, nhưng các dòng họ đều hoà hợp, thương yêu, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại. Cơ cấu tổ chức các dòng họ ở Bắc Giang không chặt chẽ, mà đơn giản hơn nhiều nơi. Trong họ không có các điều lệ quy định khắt khe đối với các thành viên, ngoài những tiết lệ giỗ tổ.
Trong nghiên cứu về dòng họ, hai loại tài liệu xác thực nhất là nhà thờ họ và gia phả. Các họ lớn ở Bắc Giang có nhà thờ họ không nhiều. Số gia phả dòng họ còn lại rất ít. Nhiều họ do điều kiện xưa ít học, bận mưu sinh nên không có gia phả. Nhưng cư dân ở các tỉnh khác về Bắc Giang cư trú, có một số gia đình mang theo bản sao gia phả dòng họ để giữ lấy gốc. Cũng có những quyển gia phả của một số họ viết khá rõ. Chẳng hạn, người Sán Dìu lập gia phả từng nhà, từng chi, gia phả viết tên đệm gồm 9 chữ khác nhau tượng trưng cho 9 đời rồi quay lại chữ đầu. Để nhận nhau là họ hàng, anh em, người ta còn có lối in dấu “hợp phù”. Nghĩa là gấp tờ đầu của hai quyển gia phả lại, khớp hai nửa giấy vào nhau thành một trang. Sau đó đem dấu của gia đình úp mực in lên. Mỗi quyển gia phả có một nửa dấu. Không may các đời sau lưu lạc đi xa, theo 2 nửa dấu đó mà nhận họ hàng. Còn gia phả của người Sán Chí tuy có ghi các bậc nam, bậc nữ, nhưng con gái thì gọi là “Múc” (tương đương với từ Cô trong tiếng Việt).
Căn cứ vào các nguồn tài liệu trong sử sách và các bản gia phả có được, xin trình bày tóm tắt về nguồn gốc, địa bàn cư trú và những nhân vật tiêu biểu của một số dòng họ ở Bắc Giang trong lịch sử. Do không có đủ tài liệu nên còn nhiều họ chưa được giới thiệu trong dịp này. Rất mong được sự thông cảm và cộng tác của các họ để lần tái bản sách Địa chí Bắc Giang, sẽ có thêm thông tin về nhiều họ khác và về bản thân những họ đã được giới thiệu lần này, nhưng chưa đầy đủ.
Họ Chu
Họ Chu cư trú ở Bắc Giang đã lâu đời. Nơi cư trú của họ từ thời xa xưa còn để lại địa danh “Chu Xá” ở Quang Châu và một vài nơi.


Trong số các dòng họ Chu sống ở Bắc Giang, tiêu biểu là Chu Danh, Chu Bá, Chu Văn, Chu Thế.

Dòng họ Chu Danh cư trú ở Mật Ninh (Yên Dũng) có Chu Danh Tể, 23 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (1676), được bổ làm quan đến chức Đề hình giám sát ngự sử, Đốc trấn Cao Bằng. Sau đó con em họ Chu ở Mật Ninh cũng có nhiều người tham gia vào các hoạt động xã hội như Chu Bá Phượng, Chu Thế Độ...

Họ Chu ở Lục Nam vốn là họ Vũ gốc ở xã Kỳ Lão, huyện Nam Chân (nay thuộc Nam Định) lên cư trú từ thời Lê - Mạc. Dòng họ Chu này có Chu Văn Sầm được phong tước công, tức Sầm quận công. Các con cháu đều được triều đình trọng dụng, cân nhắc cho làm việc nước.

Họ Dương

Họ Dương khá phổ biến ở Bắc Giang. Sống tập trung, đông và có tiếng là những họ Dương ở các xã Vân Trung, Song Vân, An Dương... của hai huyện Tân Yên và Việt Yên.

Họ Dương ở thôn Bài Cả, xã Vân Cốc, huyện Yên Dũng xưa có Dương tướng công, từng làm quan những năm 1750-1772, trải các chức Tiền đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Đô chỉ huy sứ, tước Hiển quận công.

Họ Dương ở Cầu Vồng, xã Song Vân (Tân Yên) là một dòng họ lớn, có danh tiếng trong thời Lê - Mạc. Dòng họ Dương ở đây có nhiều người tài giỏi, thượng võ, có 18 quận công nổi tiếng trong dã sử. Tiêu biểu là ba anh Dương Quốc Công, Dương Hùng Lượng và Dương Quốc Nghĩa. Tinh thần thượng võ của các vị đã làm cho vùng đất Yên Thế vốn đã nổi tiếng lại nổi tiếng hơn. Nỏ Yên Thế là loại nỏ bắn tên thuốc độc, cứng, mạnh. Bắn trúng chảy máu chết ngay, đã được Nguyễn Trãi ghi trong sách Dư địa chí. Anh em họ Dương là những tay thiện sạ về cung, nỏ. Thời này, hội Lim là hội được tổ chức lớn. Con gái làng Lim giỏi làm ăn buôn bán, lại hát Quan họ hay. Trai Cầu Vồng (Yên Thế) giỏi, xứng với gái làng Lim nên đã có câu ca : Trai Cầu Vồng Yên Thế, Gái Nội Duệ Cầu Lim. Làng Cầu Vồng, xã Vân Cầu là làng gốc của họ Dương, sau đó phát triển ra các nơi ở Yên Thế như Ngô Xá, An Dương đều là những nơi có nhà thờ các vị tổ ấy.

Họ Dương ở Dương Lâm có cụ quận Dương Đình Bột, uy thế rất lớn; có Dương Đình Tuấn từng phù giúp Lê Chiêu Thống long đong lận đận khắp vùng Kinh Bắc, Yên Thế. Tuy có lỗi nhưng sau cũng được triều Nguyễn coi như là một vị trung thần tiết nghĩa.

Họ Dương ở vùng Yên Thế có Dương Thận Huy người xã Lan Giới đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550) làm quan đến chức Thừa Chánh sứ. Dòng họ này ngày nay không ai rõ con cháu cư trú ở nơi nào. Thời kỳ nhà Nguyễn có Dương Văn Cán, quê ở làng Giã (Mục Sơn) khởi nghĩa, đã gây cho triều đình nhiều tổn thất. Ở làng Chũng (Nhã Nam) có Dương Văn Truật (tức Đề Truật) nổi lên chống Thanh phỉ, rồi tham gia khởi nghĩa Yên Thế. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) có Dương Văn Hội là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Họ Đào

Họ Đào cũng là một trong những họ có mặt ở Bắc Giang từ lâu đời. Theo tài liệu về tổ nghề gốm Thổ Hà thì Đào Trí Tiến là tổ nghề gốm nơi đây. Ông sinh ra và lớn lên ở thời Lý, đi sứ nhà Tống, học được cách làm gốm về truyền cho dân.

Họ Đào của Song Khê vào giữa thế kỷ XVI có Đào Toàn Mân đỗ Tiến sĩ năm 1352, niên hiệu Thiệu Phong thứ 12, được phong chức Tri tham hình viện sự ở Phủ Thiên Trường và có dinh thự ở đó. Tuy vậy khi mất thi hài của ông lại được con ông là Trạng nguyên Đào Sư Tích đưa về Song Khê chôn cất ở Bãi Trạng, Lịm Xuyên. Về sau con cháu họ Đào vẫn cư trú tại Song Khê. Dòng họ Đào này song song tồn tại với họ Đào ở Thiên Trường (Nam Định). Cả hai nơi đều thờ phụng hai vị đại khoa này. Ở Song khê thờ Đào Toàn Mân, ở Nam Chân thì thờ Đào Sư Tích. Đương thời hai cha con Đào Toàn Mân được làm quan cùng triều. Năm 1381, tháng 5 vua cho Đào Sư Tích làm Nhập nội hành khiển ty lang trung. Toàn Bân (Mân) cha Sư Tích, làm Tri thẩm hình viện.

Các họ Đào ở Bắc Giang cư trú trên khắp các huyện, thị nhưng số lượng không nhiều, không tập trung.<O:p</O:p

Họ Đoàn

Trong năm 1384, tháng 2 vua mở khoa thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc, núi Tiên Du. Trong khoa thi này, Đoàn Xuân Lôi đã đỗ đầu. Đoàn Xuân Lôi là người họ Đoàn ở Trâu Lỗ (xã Mai Đình, Hiệp Hoà ngày nay). Dòng họ này vốn quê cha đất tổ ở Thanh Hoá, di cư ra Bắc rồi cư trú ở Trâu Lỗ. Đến đời Xuân Lôi thì phát Trạng. Về việc này tấm bia ghi chép về Đoàn Xuân Lôi ở Trâu Lỗ (xã Mai Đình) có chép :

“Ông họ Đoàn, tên huý là Xuân Lôi. Bản quán ở đất Thanh Hoá. Cha ông đến cư trú ở Trâu Lỗ đã mấy đời”.

Đoàn Xuân Lôi làm quan tới chức Quốc tử trợ giáo. Khi Hồ Quý Ly soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên dâng lên vua, bàn một số việc của các bậc tiên thánh. Vua ban chiếu dụ khen. Xuân Lôi có bàn với Đào Sư Tích cho rằng Hồ Quý Ly như thế là không phải, lạm dụng người xưa mà mưu việc riêng mình. Vì việc ấy mà Xuân Lôi bị đày đi xa xứ, mất ở đó. Sau đem về Trâu Lỗ cát táng, mộ nay vẫn còn. Song con cháu họ Đoàn này hiện nay không biết di cư đi đâu.

Họ Đỗ

<O:pCác họ Đỗ ở Bắc Giang có nguồn gốc khác nhau, cư trú ở hầu hết các huyện thị, nhưng nổi danh có bốn họ : Đỗ, Đỗ Công, Đỗ Đồng, Đỗ Văn...

Họ Đỗ ở Hoàng Mai có Đỗ Hoảng 23 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Đoan Khánh 1 (1505).

Họ Đỗ Văn ở Yên Ninh (Việt Yên) có Đỗ Văn Quýnh độ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Quang Thuận 5 (1520) đời Lê Chiêu Tông, làm quan đến chức Thừa chánh sứ, Quốc tử giám tư nghiệp.

Họ Đỗ ở xã Quảng Minh, huyện Việt Yên có Đỗ Đồng Dần thi đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Quảng Hoà (1544), làm quan đến chức Đoán sự.

Dưới thời Lê Trung hưng, họ Đỗ ở thôn Khoát, xã Lỗ Hạnh (nay là thôn Đông Lỗ, Hiệp Hoà) từng giữ chức Thị nội thư, Tả hộ phiên, Hình phiên, Thị nội giám, Tư lễ giám... gia tặng Đề đốc phủ, Hữu đô đốc, tước Chân quận công.

Họ Giáp

Địa vực cư trú của họ Giáp rất rộng. Các dòng họ Giáp cư trú đông ở Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, thành phố Bắc Giang và một vài nơi ở huyện Yên Dũng. Đó là vùng đất thuộc lưu vực sông Lục Nam và sông Thương.

Họ Giáp có mặt ở Bắc Giang lâu đời nhất. Các tài liệu thư tịch cổ đã xác nhận họ Giáp có từ thời Lý (TK XI), khi ấy vùng đất này thuộc châu Lạng. Tù trưởng Động Giáp - một trong các đơn vị hành
chính lúc ấy là Giáp Thừa Quý. Giáp Thừa Quý được vua Lý gả công chúa cho làm phò mã. Từ Giáp Thừa Quý trở đi họ Giáp này lại đổi ra họ Thân và cùng nối nhau làm tù trưởng và làm phò mã.

Khi nhà Minh kéo quân sang xâm lược nước ta, chi họ Giáp ở Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhỡn không chịu theo nhà Minh, đã đem con cháu di cư về vùng Thiết Thượng (thuộc huyện Yên Dũng), sau đó cũng thành hào trưởng ở vùng này. Khi đất nước bình yên, con cháu mới trở về quê cũ. Dòng họ Giáp này đến thời Lê - Mạc TK XVI thì phát Trạng.

Cuốn Sách đá mới được phát hiện năm 1996 trong mộ cụ Khánh Sơn (cụ thân sinh ra Trạng nguyên Giáp Hải), được xem như một cuốn gia phả đầu tiên của Bắc Giang.

Qua cuốn Sách đá, họ Giáp ở Dĩnh Kế được kể rõ nguồn gốc cho tới phát tích. Cuốn gia phả này đã cho thấy một điều là vị Trạng nguyên Giáp Hải không phải là con nuôi của “thương nhân ở Kế” như đời sau lầm tưởng. Tổ tiên của Giáp Hải không đi buôn và cũng không xin con nuôi. Giáp Hải là con đích dòng của cụ Khánh Sơn tiên sinh. Bức màn sương mù che phủ lên lai lịch Giáp Hải (Giáp Trưng) bao nhiêu năm đã được hé mở khi tấm bia hộp Sách đã được phát hiện năm 1996.

Phân chi của họ Giáp ở Yên Thế cũng nổi danh với các nhân vật lịch sử như Giáp Đình Liêu, Giáp Đăng Luân, Giáp Sùng, Giáp Trinh Tường. Chi họ Giáp ở làng Um có Giáp Văn Thú, người đời thường gọi là quan Phán Thú. Các vị đó hầu hết đều là các nhân vật của thời Lê (TK XV-XVIII).

Thời Nguyễn có Giáp Văn Trận ở Ngọc Lý nổi lên chống lại triều đình. Sau đó lại có Giáp Văn Cờ đi theo Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975) có Giáp Văn Khương nổi danh trong trận đánh chùa Non Nước (Ninh Bình); có tướng Giáp Văn Cương, người xã Vô Tranh (Lục Nam) và rất nhiều vị là sĩ quan cao cấp trong quân đội nhân dân Việt Nam.

Mấy năm gần đây, các dòng họ Giáp đang sưu tầm tư liệu để tìm ra mối liên hệ giữa các dòng họ Giáp với nhau.

Họ Hà

Ở Bắc Giang có các họ Hà Văn, Hà Ngọc, Hà Quốc, Hà Công... cư trú ở các huyện Tân Yên, Yên Thế, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam... và một số nơi khác.

Người họ Hà được ghi nhận sớm trong lịch sử làng, xã ở Bắc Giang là Hà Chiếu. Hà Chiếu quê gốc ở Hải Dương, theo cha lên Nghĩa Phương (Lục Nam) lập nghiệp từ thời Lý, đỗ thái học sinh, được giữ chức Hàn lâm học sĩ, sau được cử đi sứ, trở về được phong tước Thắng địch hầu. Đến nay, không rõ dòng họ này phiêu bạt về đâu.

Đến thời Lê Trung hưng, có Khánh quận công Hà Công Dong vốn tổ tiên là người ở tổng Chu Túc (châu Điềm He, Lạng Sơn), đến đời Hà Công Dong thì xuống Kinh Bắc cư trú và lấy vợ người họ Hoàng (Mỹ Độ nay). Ông ta đem tiền của giúp dân ở Lũ Phú, Lịm Xuyên (Yên Dũng) làm đình và cấp cho dân ruộng đất nên được làm thần thờ ở hai nơi đó. Tuy cùng họ Hà nhưng không phải các họ Hà khác ở Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế... đều có quan hệ huyết tộc với nhau. Các họ Hà ấy có nguồn gốc khác nhau : có họ gốc Tày, có họ gốc Việt. Hà Công Dong gốc Việt nhưng đã bị Tày hoá.

Ở Lạng Giang (vùng Xuân Hương) cũng có họ Hà Quốc cư trú. Chưa rõ nguồn gốc ra sao nhưng đây cũng là dòng họ có con em tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.

Ở Yên Thế có họ Hà Văn và họ Hà Quốc. Họ Hà Văn là người của dân tộc Nùng từ Lạng Sơn di cư về
cư trú ở Đồng Kỳ. Họ Hà Quốc là người của dân tộc Tày, gốc ở châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn di cư về đất An Thượng từ thời kỳ khởi nghĩa Yên Thế. Dòng họ này có các ngành Hà Quốc, Hà Văn, Hà Ngọc, trong đó Hà Quốc là ngành trưởng. Họ Hà Quốc cũng là họ có con em tích cực tham gia vào công tác hội.

Họ Hoàng

Họ Hoàng khá phổ biến ở Bắc Giang, song nguồn gốc rất khó xác định.

Họ Hoàng ở Hiệp Hoà có Hoàng Sầm người xã Thù Sơn đỗ Hội nguyên, được ban Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Hoàng Phúc bá.

Họ Hoàng ở Yên Ninh có Hoàng Công Phụ (1567-1644) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Hoằng Định 20 (1619) đời Lê Kính Tông. Năm Đức Long (1630) được cử đi sứ nhà Minh. Làm quan đến chức Binh bộ Tả thị lang, tước Thọ Nham hầu, khi mất được tặng Thường thư.

Họ Hoàng ở Tân Mỹ (Yên Dũng) có Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đình Bảo. Cả hai nhân vật này nổi tiếng trong thế kỷ XVIII thời vua Lê, chúa Trịnh.

Họ Hoàng ở Mỹ Độ (TP Bắc Giang) có cụ tổ là bậc công thần thời Lê - Mạc. Từ đó mà có các nhân vật Tài quận công, Hoa quận công, Hoàng Đình Quán, Hoàng Đình Phú... có công với triều Lê, đến nay vẫn còn sắc phong.

Nhìn trên đại thể, họ Hoàng cư trú ở Bắc Giang khá ổn định và thời nào cũng có những nhân vật xuất sắc.

Họ Ngọ
<O:p
Họ Ngọ căn bản cư trú ở đất Hiệp Hoà. Dòng họ này sống tập trung ở xã Thái Sơn và xã Châu Minh. Địa vực cư trú ban đầu của họ Ngọ là “Ngọ Xá” (nay thuộc xã Châu Minh). Xưa địa danh này được gắn với đơn vị hành chính của xã, tổng : xã Ngọ Xá, tổng Ngọ Xá của huyện Việt Yên, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc. Trong quá trình cư trú, họ Ngọ có lẽ đã phát triển sang đất Quế Trạo, tổng Quế Trạo.

Họ Ngọ ở đất Ngọ Xá có ông Ngọ Doãn Trù đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu 3 (1518) đời Lê Chiêu Tông, từng làm quan đến chức Đoán sự.

Họ Ngọ ở thôn Thái Thọ, nay thuộc xã Thái Sơn (Hiệp Hoà) có Ngọ Công Quế, Trấn thủ cai quản xứ Thái Nguyên, được phong Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tư lễ giám, Tổng thái giám, Bắc quân đô đốc phủ, Đô đốc thiêm sự, gia phong Đô đốc Phương quận công. Dòng họ Ngọ ở Thái Sơn duy trì việc thờ cúng tổ tiên ở lăng họ Ngọ.

Trên đất tổng Ngọ Xá cũ (nay thuộc xã Châu Minh) còn có các công trình mang tên họ Ngọ như lăng Ngọ Khổng, chùa Ngọ Khổng, chùa Ngọ Phúc, nghè Ngọ Phúc, đình Ngọ Phúc và đình Ngọ Xá.

Họ Ngô

Họ Ngô cũng là một trong những họ cư trú sớm ở Bắc Giang. Dấu tích của họ Ngô đã để lại trên địa danh “Ngô Xá” của xã Cao Xá (Tân Yên), chứng tỏ sự tồn tại của họ Ngô trên đất Bắc Giang rất sớm.

Các dòng họ Ngô ở Bắc Giang có : Ngô, Ngô Văn, Ngô Vĩnh, Ngô Thế, Ngô Quang, Ngô Đình, Ngô Duy, Ngô Công... cư trú ở hầu hết 10 huyện, thị nhưng tập trung đông ở ba huyện Việt Yên, Tân Yên
và Hiệp Hoà.

Họ Ngô ở Việt Yên (thuộc phần đất Yên Dũng cũ) xuất hiện trên các tài liệu sớm hơn cả. Đó là họ Ngô sinh ra Tiến sĩ Ngô Văn Cảnh, người làng Nếnh, xã Yên Ninh, đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1481, làm quan trong Viện Hàn lâm. Đương thời ông nổi tiếng giỏi thơ văn, được vua Lê Thánh Tông cho làm hội viên của hội Tao đàn.

Bên cạnh đất Yên Ninh lại có dòng họ Ngô ở thôn Cường Khê, xã My Điền. Dòng họ này đã sinh ra tướng công Ngô Đạt Dụng, tước Nhượng quận công. Năm 1692 Ngô Đạt Dụng được trở về phủ chúa giữ chức Đề đốc Thần vũ, tước Dũng quận công. Khi Ngô Đạt Dụng mất được phụng thờ ở từ chỉ thôn.

Dòng họ Ngô ở thôn Thái Thọ, xã Quế Trạo cũ (nay thuộc xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà) có cụ tổ là Minh Nghĩa công thần Dương Quốc Công, là một vị khai quốc công thần đã được tôn vào bậc tiên hiền của quê hương Quế Trạo. Dòng họ Ngô này ban đầu gốc là họ Dương, vì lý do gì đó mà chuyển sang họ Ngô. Năm 1655 có Ngô Công Mỹ làm quan trong phủ chúa Trịnh, với các chức, tước : Chánh vương phủ, Phó vương phủ, Chưởng thái giám, Tổng quản Kinh Bắc, Hiệp Hoà, Thái Nguyễn đẳng xứ, kiêm Tri thị nội thư, Tả vệ môn Đĩnh quận công.


Họ Ngô ở Ninh Định (xã Đại Thành, Hiệp Hoà) có Ngô Trang đỗ Tiến sĩ năm 1538. Họ Ngô ở Cao Lôi (thị trấn Neo, huyện Yên Dũng) có Ngô Uông đỗ Tiến sĩ năm 1553, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hộ.

Họ Nguyễn

Có khá nhiều dòng họ Nguyễn ở Bắc Giang, như Nguyễn Duy, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình, Nguyễn Thế, Nguyễn Xuân, Nguyễn Mạnh, Nguyễn Hữu, Nguyễn Danh, Nguyễn Đức, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Nhân...

Địa bàn cư trú của họ Nguyễn Hiện nay ở khắp các làng xã trong tỉnh. Theo điều tra văn hoá làng, có rất nhiều địa danh liên quan đến họ Nguyễn như : thôn Nguyễn ở Mai Đình (Hiệp Hoà); ở Trung Sơn (Việt Yên); ở Việt Lập (Tân Yên); ở Cầu Thày, An Thượng, Cương Sơn (Lục Nam)...

Các dòng họ Nguyễn hiện còn nhà thờ tổ có họ Nguyễn ở Đông Lỗ “Nguyễn tộc từ”; nhà thờ Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Đình Tuân ở Mai Đình (Hiệp Hoà), nhà thờ họ Nguyễn ở Thổ Hà (Việt Yên), họ Nguyễn ở Đức Giang...

Trong lịch sử, các dòng họ Nguyễn đã sớm có các bậc tiền bối đỗ đạt cao và có công với dân với nước, như họ Nguyễn ở Hoàng Vân (Hiệp Hoà) có Nguyễn Doãn Địch đỗ Tiến sĩ năm 1529; Nguyễn Duy Năng người xã Dĩnh Uyên, tổng Dĩnh Kế, đỗ Tiến sĩ năm 1574 sau di cư vào Thuận Hoá đổi là nguyễn Khoa; Nguyễn Đình Chính ở Nguyễn Xá (Mai Đình) làm quan đến chức Thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng thái giám; Nguyễn Hoảng người Đức Thắng, đỗ Tiến sĩ năm 1529; Nguyễn Hữu Đức đỗ Tiến sĩ năm 1592; Nguyễn Lễ Kính đỗ Tiến sĩ năm 1475; Nguyễn Nghĩa Lập ở Yên Ninh đỗ Tiến sĩ năm 1553; Nguyễn Nhân Kiền đỗ Tiến sĩ năm 1547; Nguyễn Nhân Trừng người thôn Ngọc Liễn, xã Châu Minh đỗ Tiến sĩ năm 1623; Nguyễn Nhữ Tiếp, người xã Phúc Linh (nay thuộc Hiệp Hoà), đỗ Tiến sĩ năm 1522 và có vị Tiến sĩ cuối cùng của đất Bắc là Nguyễn Đình Tuân, người Mai Đình (Hiệp Hoà).<O:p></O:p>
Sử sách, bia chí cũng ghi chép về các vị họ Nguyễn quan chức như : Đô đốc Xuân quận công Nguyễn Phúc Độ (Đông Lỗ), Nguyễn Hữu Đức (Vân Cẩm), Nguyễn Hạnh Thông (Vân Cẩm), Nguyễn Đỉnh Tân (Xuân Đám, Yên Dũng), Nguyễn Đức Huỳnh, Nguyễn Đức Thành (Phúc Tằng, Tăng Tiến), Nguyễn Đốc Thực (Cường Khê, Việt Yên)... đều có đóng góp công sức, tiền của cho xã hội.

Họ Phạm
<O:p
Họ Phạm vốn là một họ quê ở Lam Sơn, cùng với Lê Lợi, theo Lê Lợi khởi nghĩa đánh giặc Minh. Dòng họ này có ba đời cùng theo Lê Lợi, nếu tính từ Phạm Đình Liêu, có bố làm Phạm Thánh, con là Phạm Đức Hoá. Cả ba đều giúp Lê Lợi đánh giặc Minh. Phạm Đình Liêu và Phạm Đức Hoá được cử ra Bắc đánh giặc trong trận Xương Giang. Sau ngày chiến thắng, Lê Lợi cho Phạm Đình Liêu cùng con ở lại Kinh Bắc, phong cho là bậc Bình Ngô khai quốc công thần, Khang quốc công. Gia đình Phạm Đình Liêu ra Bắc cư trú ở làng Chùa, xã Đại Mãn, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Thương. Trong gia phả họ có chép : “Cụ tổ là người được danh hiệu Bình Ngô khai quốc công thần. Tặng chức Thái uý, Khang quốc công, tên là Phạm Đình Liêu; sau đó được ban họ của nhà vua nên gọi là Lê Văn Liêu. Cụ sinh được một người con trai làm phò mã nhà Lê; giữ chức Đô uý; tước Hoa phong hầu, tên là Phạm Đức Hoá. Vợ của ông Phạm Đức Hoá là Thiều Dương Thái trưởng công chúa, tên là Lê Thị Ngọc Khanh”.<O:p

Họ Thân

Dòng họ Thân có mặt ở Bắc Giang rất lâu đời và được coi như một trong những họ gốc ở Bắc Giang.

Thuỷ tổ của họ Thân là Giáp Thừa Quý – tù trưởng Động Giáp của Châu Lạng thời Lý (TK XI). Con của Thừa Quý đổi ra họ Thân. Đó là Thân Thiệu Thái, cũng là tù trưởng Động Giáp được Vua Lý gả công chúa Bình Dương cho làm phò mã. Con Thân Thiệu Thái là Thân Cảnh Phúc cũng là tù trưởng Động Giáp lấy công chúa Thiên Thành, có công đánh giặc Tống ở thế kỷ XI.
Họ Thân cư trú trên lưu vực sông Thương và sông Lục Nam khá đông. Địa bàn gốc của họ ngày nay có lẽ còn lưu lại ở các địa danh “Thân” và “Kép”, như làng Thân, làng Kép. Từ thế kỷ XIV trở đi họ Thân có mặt ở các huyện Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và Lục Ngạn. Các dòng họ Thân này ngày nay chưa tìm ra mối liên hệ lẫn nhau nên các họ đó tồn tại độc lập bên nhau.

Trong thời Lê Sơ, họ Thân ở Yên Ninh phát triển mạnh nên đã xuất hiện các danh nhân khoa bảng như : Thân Nhân Trung, Thân Nhân Tín, Thân Nhân Vũ, trong đó Thân Nhân Trung được coi một ngôi sao sáng đương thời. Ông là Phó Nguyên suý hội Tao đàn do Vua Lê Thánh Tông sáng lập. Thời Lê Trung hưng có Thân Công Tài, làm quan tới bậc quận công. Ông có công bảo vệ và mở mang buôn bán ở vùng biên giới Lạng Sơn nên khi mất được thờ ở quê, ở Lạng Sơn và một số nơi nay thuộc Trung Quốc.

Thời kỳ khởi nghĩa Yên Thế, con em các dòng họ Thân đã góp cho phong trào những ông đốc, ông đề, ông cai đánh Pháp rất kiên cường. Đó là các nhân vật Thống Luận, (Thân Đức Luận), Cả Huỳnh (Thân Văn Huỳnh), Thân Văn Tề...

Họ Trần

Thời Trần bắt đầu từ 1226 cũng là lúc cái tên Châu Lạng, Động Giáp phai nhoà dần. Thay thế vào đó là cái tên Bắc Giang, Lạng Giang được nhắc tới thường xuyên hơn. Lúc ban đầu vùng đất Châu Lạng thời Lý đã được cấp phong cho vợ chồng quan Thái sư Trần Thủ Độ làm đất Mộc Dục, gọi là đất tắm gội. cũng có thể con cháu họ Trần đã theo đó mà về nơi đây cư trú, mở mang cơ nghiệp, khai khẩn đất hoang để sau này duy trì việc thờ phụng Trần Thủ Độ ở vùng Yên Dũng.

Họ Trần ở Hoàng Mai, huyện Yên Dũng xưa (nay thuộc xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên) có Trần Đăng Tuyển đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hoà 6 (1640) Đời Lê Thần Tông, được bổ làm quan đến chức Tham Tụng, Tể tướng, Binh bộ Thượng thư, tước Xuyên quận công. Ông là người trầm nghị, đứng đắn, học thức sâu rộng, có công trong cuộc Nam chinh. Khi mất được tặng chức Thiếu bảo.


Dòng họ Trần ở Lương Phong, huyện Hiệp Hoà vốn cũng là dòng họ lớn. Thời Lê Trung hưng (TK XVII - XVIII) đã có các nhân vật Trần Đình Miên, Trần Đình Ngọc được nhân dân làng xã mến chuộng. Trần Đình Ngọc được triều đình tin dùng ban cho tước Quận công, còn gọi là “Quận Gió”. Đền thờ và lăng mộ của họ Trần hiện vẫn còn ở đất Lương Phong.

Trong những năm trước Cách mạng Tháng 8-1945, một số con cháu họ Trần từ các tỉnh khác cũng về Bắc Giang sinh sống. Họ Trần - kể cả họ gốc và họ nhập cư - không đông và không sống tập trung.<O:p

Họ Trịnh

Họ Trịnh sinh sống rải rác ở các huyện, thị. Riêng ở Thổ Hà, Trịnh Xá, Đồng Bún, TP Bắc Giang, Bố Hạ sống khá tập trung và còn lưu lại tư liệu.

Họ Trịnh ở Thổ Hà, Vân Hà vốn xưa ở đâu chưa rõ. Nhưng ở làng Vân có lập đền thờ một vị tướng công họ Trịnh. Vị tướng công này vốn là người Thanh Hoá ra ngoài Bắc dạy học, đến làng Vân (xã Yên Viên cũ) lập ra một thục xá dạy học cho dân, mở mang dân trí nên khi mất dân lập đền thờ ngay bên chùa Diên Phúc.

Gia phả họ Trịnh ở Bố Hạ chép :

“Tiên vương bốn ngôi. Vương phủ mười bốn ngôi Á thành tổ bốn ngôi. Văn Thành tổ bốn vị. Hoằng tỏ mười một vị. Dục tổ, Nghị tổ năm vị. Phúc thuần công, Chiên tổ mười một vị. Dụ tổ, Yến Đô vương ba vị. Linh quận công ba ngôi (thực thừa tự).

Trịnh Bách, Trịnh Hoảng (Duệ tổ bốn vị, Hy tổ mười bốn vị).

Nghị tổ trở xuống Thịnh vương, Đoan Nam vương, Điện Đô vương”.
....

Tập gia phả họ Trịnh này gồm 70 trang, ghi chép các chúa, con các chúa qua từng đời, tới năm 1945 tương đối đầy đủ. Đến đó thì dừng, lưu cất vào cột nhà. Đến năm 2000 thì tìm thấy, mới rõ các cụ họ Trịnh gốc gác ở đâu về Bắc Giang.

Họ Vi

Cư trú tập trung ở ba huyện Yên Thế, Lục Ngạn và Sơn Động. Các huyện khác tuy cũng có song tản mạn với số lượng ít. Hầu hết các dòng họ Vi ở Bắc Giang đều thuộc dân tộc Tày, dân tộc Nùng.

Theo gia phả họ Vi ở làng Vai, xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn thì cụ tổ là Hàn Tín. Do loạn lạc, phải phiêu tán và đổi họ. Họ cho rằng chữ “Vi” là một nửa chữ “Hàn” Hán tự. Đó là dấu hiệu để nhận nhau. Họ Vi ở làng Vai có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông TK XIII, được ban danh hiệu “Sinh vi tướng, tử vi thần”. Đền thờ chính là đền Khánh Vân (thị trấn Chũ).

Gia phả họ Vi ở Sơn Động lại cho biết, cụ tổ là Vi Đức Lục quê gốc ở Diễn Châu, Nghệ An theo Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn. Sau khi đại phá quân Minh, được giao phó gìn giữ vùng biên giới, rồi ở lại đất An Châu, An Lập (Sơn Động). Đền thờ tổ ở làng Chẽ, xã An Lập gọi là đền Đức Vua Ông. Trong ngày hội làng có tổ chức tế và bơi chải diễn tích thuỷ quân đánh bộ của quân nghĩa năm xưa. Con cháu của họ Vi này nối nhau là quận công và làm phụ đạo ở vùng này.

Họ Vi ở Yên Thế có mấy dòng, chủ yếu từ vùng Lạng Sơn (Cao Lộc, Lục Bình...) di cư xuống sau thời kỳ có loạn giặc Cờ Đen.

Họ Vũ

Họ Vũ cư trú ở khắp 10 huyện, thị Bắc Giang. Trong các dòng họ Vũ, chỉ có họ Vũ ở vùng ngã ba sông Lục Nam là to hơn cả. Tổ tiên của họ Vũ này, do loạn lạc nên có thời gian chuyển đổi thành họ Chu. Đến thời Lê - Mạc lại lấy lại tên họ Vũ.

Dòng họ này vốn ở Nam Chân, Nam Sơn vì yêu mến đất Tiên La nên đã cư ngụ ở nơi đây. Kể từ đời Sầm quận công trở đi có các vị Vũ Đức Trọng, Vũ Chí Trung, Vũ Chí Thân, Vũ Chí Vượng... đều là các bậc anh tài kế thế ở đời.

Sầm quận công có công tu sửa chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Vũ Đức Trọng là người có công phù Lê dẹp Mạc được phong tước Khuông quận công, dự hàng công thần triều Lê, hàm Thái bảo.

Vũ Hữu Râm là con của Khuông quận công có công trong việc tòng chinh ở Cao Bằng, Tuyên Quang được phong Trung thực tuyên lực công thần, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân...

Vũ Chí Trung làm quan ở chức Nhập nội thị nội, Binh bộ viên ngoại lang, sau lại thăng Hình bộ thị lang trung thị vệ sự, tước Bàn quận công.

Dòng họ Vũ này có địa danh cư trú ở Vũ Trù, Vũ Xá, Tiên La, Trạm Điền, Đan Hội... và có nhà thờ ở Tân Độ.

Họ Vũ ở Tiên Lát (nay thuộc Tiên Sơn) có Vũ Cẩn 35 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1556 đời Mạc Phúc Nguyên. Sau khi thi đỗ thì đổi tên là Vũ Ngụ, được cử đi sứ nhà Minh. Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, tước Dũng quận công. Khi mất được tôn vinh là bậc bề tôi tiết nghĩa.

Gia phả họ Vũ ở Đức La có chép :

“Nguyên ngày trước, cụ tổ ở xã Kỳ Lão, huyện Tam Chân, đạo Sơn Nam sinh được bốn người con trai. Mỗi người cư trú ở một phương :

Người con thứ nhất cư trú ở xứ Sơn Nam, nối đời làm công hầu.

Người con thứ hai ở xứ Sơn Tây ở triều trước không rõ sự tích như thế nào.

Người con thứ ba sống ở xứ Hải Dương, nối đời được làm quan phụ đạo.

Người con thứ tư cư trú ở xứ Kinh Bắc, miền núi non vùng Phượng Nhỡn. Ban đầu nhà ở thôn Tân Độ (thôn Bến) xã Trí Yên”.

Theo gia phả này thì cụ thuỷ tổ ở xã Trí Yên (Yên Dũng) được phong tặng thừa Chính sứ, ở đây cụ đã đổi sang họ Chu, lý do đổi họ vì khi ấy gặp thời loạn lạc mà đổi tránh đi. Đây cũng là dòng họ lớn có nhiều người làm tới bậc công hầu khanh tướng như : Sầm quận công, Chu Văn Sầm, Khuông quận công Vũ Đức Khuông, Bật quận công Vũ Thuận Đạo, Vân quận công Vũ Hữu Râm,... Trong các vị quận công ấy có Sầm quận công là nổi danh chống Mạc, được vua tin dùng. Gia phả chép :

“Lúc ông Sầm còn hàn vi phải đi buôn muối, gánh bộ bán ở Thanh Hoá. Gặp khi quân nhà vua đi đánh giặc bị thua chạy, ông cười mà nói rằng : “Cơm vua áo chúa đánh giặc mà bỏ chạy thì thật là hèn nhát”. Có người nghe thấy nói đến tai vua. Vua vời vào hỏi : “Nhà ngươi có tài gì mà nói thế, có dám đi đánh giặc không ?”. Ông nói : “Nếu nhà vua cần”. Vua tuyển ông vào lính. Ông được phong làm ngũ trưởng, sau đi đánh giặc nhiều trận được phong đến quận công. Ông người Cao sáu thước, diện mạo phi thường; tướng hổ oai hổ; tiếng cao giọng lớn người người thấy ông đều sợ không dám đối địch, được nhà vua yêu quý, vắng mặt vua nhớ, có mặt vua sợ. Lúc này nhà Mạc cướp ngôi vua. Nhà vua sai ông đi đánh dẹp họ Mạc, trấn thủ ở phương Bắc thuộc địa phận Đức La, cũng là nơi quê ông. Không may bị quân Mạc đánh thuốc độc chết”.
(Nguồn: Địa chí Bắc Giang, năm 2006)

No comments:

Post a Comment

:) :( :)) :(( =))

..



Steps


Flag Counter